Chức phận sinh lý da

Chức phận sinh lý da Da bao bọc cơ thể, biết sinh lý da cũng có nghĩa đánh giá đúng mức vị trí của da trong thể thống nhất, đồng thời thấy rõ tác hại của các bệnh ngoài da, do đó có thái độ đúng đắn trong chẩn đoán cũng như điều trị dự phòng các bệnh ngoài da.


Chức phận che chở


- Chống sự xâm nhập của vi khuẩn.


+ Do sự biến hóa của các lớp tế bào thượng bì, những vi khuẩn ký sinh trên da luôn bị đẩy lùi, đào thải cùng với lớp sừng.

+ Một số men tổng hợp ở da có tác dụng ngăn cản vi khuẩn phát triển: Lysozym, Trombokinaza, Leucotaxin ngoài ra có men thay đổi pH da, men tăng sinh bạch cầu, men tổng hợp huy động kháng thể…

+ Thượng bì còn có khả năng trung hoà pH da (trung bình từ 4,2 – 5,6), nếu pH da kiềm hóa dễ bị vi trùng nấm tấn công.

- Chống các tác hại của các yếu tố cơ học, lý học, hoá học


+ Lớp sừng và sắc tố da không cho ánh sáng có bước sóng 200 nm xuyên qua.

+ Trên bề mặt thượng bì chủ yếu là axít béo triglyxerit, cholesterol, chất bã tạo khả năng chống đỡ với những thay đổi đột ngột về nhiệt độ.

+ Nhờ tiếp giáp trung – thượng bì vững chắc

+ Nhờ sự đàn hồi vừa dẻo vừa chắc của các sợi tạo keo, sợi liên kết ở trung bì

+ Nhờ lớp mỡ đệm ở hạ bì

Chức phận điều hoà nhiệt độ:


Da điều hoà nhiệt độ bằng 2 cơ chế chính: Ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.

Khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao, cơ thể phản ứng bằng giãn mạch máu dưới da để tăng toả nhiệt, đồng thời tăng tiết mồ hôi và tăng bốc hơi, làm giảm nhiệt (trung bình tiết 1 lít mồ hôi làm tiêu hao 500 calo)

Khi nhiệt độ bên ngoài thấp cơ thể sẽ phản ứng bằng co mạch máu dưới da, giảm tiết mồ hôi, giảm toả nhiệt trên da.

Hệ số dẫn nhiệt của tổ chức mỡ dưới da (k = 0,00033) và của lớp sừng (k = 0,000125) nên về mùa đông da thường giữ không cho toả nhiệt nhiều cũng như cản bớt lạnh ở ngoài vào.

Chức phận hấp thu, bài tiết:


- Hấp thu: Da bình thường không ngấm nước vì có màng sáp bảo vệ, những chất làm tan hoặc kết hợp với màng sáp có thể ngấm qua da như cồn, chất dễ bay hơi, chất tan trong dầu. Mỗi giờ 1cm2 da có thể hấp thu 0,5 ml O2, 0,75 CO2

+ Bài tiết mồ hôi

Da toàn cơ thể có khoảng 2 – 5 triệu tuyến mồ hôi. Mồ hôi thải trừ các chất cặn bã, độc hại, chủ yếu là urê. Ở đây, da có vai trò hỗ trợ cho thận.

Thành phần của mồ hôi: Nước 98 – 99%, NaCl 18 mEq/l – 60 mEq/l, Kali 4,5mEq/l, Axit pyruvic 4-40mEq/l, Canxi 1-8 mg, Ure 0,4-0,5 g/l ngoài ra còn có Lactat, Amoniac.

+ Bài tiết chất bã (sebum)

Tuyến bã thường tập trung nhiều nhất ở mặt, lưng, ngực. Thành phần chất bã gồm 2/3 là nước, còn 1/3 là a xít béo, squalen, cholesterol.

- Thải CO2 bằng 1/90 so với phổi.

Chức phận dự trữ chuyển hoá:


+ Nước: Da giữ 9% nước của cơ thể.

+ NaCl: Nếu ứ đọng ở da sẽ kéo theo nước, gây phù nề ở da. Da giữ vai trò rất quan trọng trong việc giữ thăng bằng chất NaCl trong cơ thể.

+ Tia cực tím làm chuyển tiền vitamin D thành vitamin D, cần thiết cho sự hấp thu chất Ca ở xương.

+ Ở da còn có các chất điện giải khác như Ca, K, Mg.

+ Tỷ lệ glucose tự do trong da thường bằng 2/3 đường huyết.

+ Da chứa rất nhiều loại men như oxydaza, proteaza, hyaluronidaza các men này tham gia vào sự chuyển hoá chất trong cơ thể

+ Các chất chalone, chất kháng chalone liên quan đến việc lành sẹo hay tạo sẹo lồi của da.

Chức phận chuyên biệt (tạo keratin và tạo melanin):


Có thể coi là 2 chức phận đặc hiệu của tế bào thượng bì, đồng thời cũng là 2 chức phận sơ đẳng đảm bảo cho sự toàn vẹn và lành mạnh của da.

Trong quá trình sừng hoá các protein hình cầu của tế bào gai chuyển thành protein hình lá, hình sợi. Quá trình sừng hoá có thể gặp tăng sừng, dầy sừng (hyperkeratose): Sừng hoá quá mạnh; hoặc loạn sừng (dyskeratose): Tế bào sừng còn nhân và chứa đầy các lá sừng. Năng lượng cần thiết cho sự chuyển hoá này là do hoá giáng của glycogen ở tế bào gai. Cu (đồng) đóng vai trò xúc tác.

Melanin là một protein phức hợp, màu xẫm được hình thành chủ yếu từ tyrosin. Dưới tác động của men tyrosinaza, qua nhiều giai đoạn trung gian chất dopa chuyển thành melanin. Sự sản sinh ra melanin được tiến hành trong các tế bào tua nằm xen kẽ ở lớp đáy. Tuỳ thuộc chủng tộc, tuổi tác, địa lý sự phân bố các sắc tố khác nhau tạo màu da khác nhau.

Chức phận thụ cảm


- Tiểu thể Meisner, thu nhận kích thích ma sát, cảm giác sờ mó

- Tiểu thể Pacinian, thu nhận áp lực

- Tiểu thể Krause thu nhận kích thích nhiệt độ lạnh

- Tiểu thể Ruffni thu nhận nhiệt độ nóng

- Các mút thần kinh thu nhận các kích thích đau.

Mật độ của các thụ thể này khác nhau rất nhiều từ vùng này sang vùng khác. Có 2.500 thụ thể/cm2 trên đầu ngón tay. Toàn bộ da có 250.000 điểm lạnh, 30.000 điểm nóng. Cảm giác đau phát triển nhiều hơn các điểm khác, tại mu tay 12,5mm2 có 16 điểm đau trong khi chỉ có 2 điểm sờ mó.

Chức phận thụ cảm phụ thuộc độ pH của da.

Miễn dịch


Da có liên quan đến miễn dịch tế bào, có các tế bào có thẩm quyền miễn dịch như tế bào Langerhans, các lympho T, nhất là khi có phản ứng miễn dịch xảy ra. Đồng thời có các yếu tố sinh học hoà tan cũng đóng góp vào cơ chế miễn dịch này.

Khi có kháng nguyên (KN) xâm nhập vào da, tế bào Langerhans xuất hiện bắt giữ KN, xử lý và trình diện KN với limphô bào có thẩm quyền miễn dịch.

Bản thân tế bào sừng cũng có vai trò miễn dịch, tiết ra interferon chống lại virus.

Chức phận sinh lý da Chức phận sinh lý da Reviewed by dd on 00:19 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.