Một số bệnh da hay gặp mùa hè

Vào mùa hè, nhiệt độ nóng làm cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để giảm nhiệt. Khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn làm chúng bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi ở da hoặc ống tuyến bị vỡ sẽ gây rôm sảy. Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp nhất ở trẻ em trong những ngày hè nóng nực.



Biểu hiện của rôm sảy thường xuất hiện thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, nách, bẹn… Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Tổn thương là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Khi đó, trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Nếu trẻ gãi làm da sây sát sẽ dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Gặp thời tiết mát mẻ, rôm sẽ tự lặn đi và để lại các đám vẩy da bong mỏng, màu trắng, ít ngày sau da trở lại bình thường không để lại sẹo.

Có 3 loại rôm sảy gồm:


Rôm dạng tinh thể do thượng bì bị sang chấn và mồ hôi tiết ra quá nhiều, thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi, loại rôm sảy này không có viêm, thường xảy ra do sốt cao và khi khỏi để lại mảng da bong, không để lại sẹo.

Rôm đỏ hay xuất hiện ở thân mình, lưng hay bị hơn cả, vùng quần áo cọ xát vào da. Tổn thương là các sẩn màu đỏ, thành các đám dày ở các vùng cổ gáy, nách, bẹn, có khi chiếm hết cả diện tích lưng, ngực. Loại này gây khó chịu cho người bệnh với cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy. Thể rôm đỏ hay bị biến chứng bội nhiễm như chốc, viêm nang lông, nhọt.

Rôm sâu thường xảy ra khi rôm sảy đỏ bị đi bị lại nhiều lần, có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi.

Xử trí: Khi bị rôm sảy, trẻ thường có phản xạ là gãi, đôi khi các bà mẹ hoặc trẻ lớn còn có hành động giết rôm cho nhau. Việc này làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng, nặng hơn là biến chứng viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng. Vì vậy, khi trẻ ngứa chỉ nên xoa nhẹ để làm dịu cơn ngứa.

Nên tắm cho trẻ một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu. Không nên sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da trẻ em.

Hăm kẽ

Thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em mập mạp hoặc ở người lớn béo mập, ra mồ hôi nhiều. Hăm kẽ thường thấy ở nếp cổ, nách, dưới vú, khoeo, khuỷu tay, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền viền vảy mỏng, đau rát. Bề mặt thương tổn đỏ và ướt. Đáy của kẽ thường thành vết nứt chảy nước.

Điều trị: Bôi thuốc màu: milian, castellani, mỡ tổng hợp chống nấm chống vi khuẩn. Uống thuốc chống nấm và kháng sinh chống bội nhiễm.

Lang ben

Yếu tố thuận lợi gây bệnh là độ ẩm ở bề mặt da tăng, tiết chất bã nhiều vào ngày nắng nóng. Tuổi mắc bệnh chủ yếu là ở người trẻ và trung niên.

Tổn thương là dát trắng có thể nhỏ lấm tấm hoặc là mảng lớn có bờ quanh co như bản đồ bề mặt có vảy cám.Vị trí: cổ và cánh tay, ngực, lưng, chủ yếu 1/2 phía trên.

Tổn thương ở vùng da không phơi ra ánh sáng thì có màu cà phê sữa hoặc vàng nhạt, nâu, đỏ, đen.

Bình thường thì lang ben ít ngứa nhưng khi ra nắng đổ mồ hôi nhiều thì ngứa râm ran như kim châm.

Đây là bệnh điều trị hết thì dễ nhưng hết hẳn rất khó. Khi đã được điều trị lành rồi, nếu không bôi thuốc dự phòng, quần áo không được giặt luộc, ủi nóng thì khả năng tái phát rất cao.

Viêm da mủ

Bình thường trên da có nhiều tạp khuẩn, nhiều nhất là ở những vùng nhiều mồ hôi, các nếp kẽ, lỗ chân lông.

Người ta thường phân thành viêm da mủ do tụ cầu và viêm da mủ liên cầu, nhưng ít khi hai loại cầu khuẩn đó hoạt động riêng rẽ mà phần nhiều cùng phối hợp gây bệnh. Tụ cầu thường gây tổn thương viêm nang lông, biểu hiện bằng những mụn mủ ăn khớp với lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm ở bất cứ vùng da nào trừ lòng bàn tay, bàn chân.

Viêm nang lông nông: Ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau xuất hiện mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm. Vài ngày sau mụn mủ khô, để lại một vẩy tiết nâu sẫm tròn. cuối cùng vẩy bong không để lại sẹo.

Đinh nhọt: Cũng là trạng thái viêm nang lông. Vì độc tố cầu khuẩn cao nên viêm toàn bộ nang lông, lan ra cả tổ chức xung quanh, làm hoại tử cả một vùng biểu hiện thành “ngòi” gồm tế bào, xác bạch cầu. Nếu đinh nhọt to có thể kèm theo sốt, nổi hạch đau ở vùng tương xứng.Vị trí hay gặp ở gáy, lưng, mông, các chi.

Đinh nhọt ở vùng quanh miệng gọi là “đinh râu” rất nguy hiểm, có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết không nên chích nặn sớm.

Điều trị: Khi mới nổi sưng đỏ, cứng: chấm cồn I ốt 3-5% hoặc bôi ichthyol tinh chất, có điều kiện chạy sóng ngắn. Khi nhọt đã vỡ mủ nặn hết ngòi ra, chấm thuốc màu hoặc bôi mỡ kháng sinh, toàn thân cho uống hoặc tiêm một đợt kháng sinh

Bệnh hắc lào

Bệnh này do một loại nấm gây ra và có khả năng lây lan mạnh cho các vùng da khác trong cơ thể và lây cả cho người khác nếu ngủ chung giường.   Tổn thương lúc đầu có màu hơi đỏ, ranh giới rõ rệt có viền bờ, trên viền bờ có những mụn nước nhỏ, xu hướng lành ở giữa, dần dần lan rộng thành đám có nhiều vòng cung. Do gãi nhiều, chà xát, bôi thuốc linh tinh, tổn thưương có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát (trợt, rớm mủ, đóng vảy tiết, sưng tấy.v.v…) hoặc bị viêm da thứ phát, lấm tấm  mụn nước khắp trên mặt đám tổn thưương, viền bờ không còn rõ nữa, ngứa nhiều khi ra mồ hôi.

Điều trị: Bôi dung dịch, mỡ chống nấm, nấm da diện rộng hay tái phát thường được kết hợp với uống thuốc chống nấm.

Viêm da do côn trùng

Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Điều trị: Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng xà phòng để ngăn không nổi thành phỏng nước, phòng mủ. Bôi mỡ oxyt kẽm, uống thuốc chống dị ứng.

Một số bệnh da hay gặp mùa hè Một số bệnh da hay gặp mùa hè Reviewed by dd on 00:09 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.